Tác giả: Trần Thiện Thanh

 

 

     Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tên thật là Trần Thiện Thanh. Bút hiệu ông thường dùng là Trần Thiện Thanh nhưng thỉnh thoảng ông cũng ký tên Anh Chương, Anh Thy và Trần Thiện Thanh Toàn. Ông còn là ca sĩ nổi tiếng Nhật Trường.

Ông sinh năm 1941 tại Phan Thiết. Ông đến Saigon năm 1958 và chẳng bao lâu giọng hát trau chuốt, mượt mà, mặn nồng, hiền và . . . rất điệu của ông được giới yêu nhạc Saigon yêu mến ngay.

Ông có khuôn mặt hiền, hơi có nét khắc khổ nhưng lãng tử và rất sáng sân khấu. Đã hát hay, đa tài lại . . . đẹp trai nên Nhật Trường thuở ấy là thần tượng của giới trẻ, là hoàng tử trong mộng của các cô nữ sinh.

Trong những năm cuối thập niên 60, Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường thường mặc quân phục lên sân khấu để hát nhạc lính khiến các cô nữ sinh say mê chết bỏ. Có lần bà chị họ dẫn BN đi xem Đại Nhạc Hội Tình Thương Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ. Hôm đó Nhật Trường hát đến 4 bài, BN liếc qua bà chị thấy chị say mê theo dõi, mắt lim dim như mơ về chốn xa xăm nào, thỉnh thoảng chị lấy tay che ngực để giữ cho trái tim thổn thức của mình đừng rớt ra ngoài.

Đầu thập niên 60, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi (nữ hoàng của phong trào du ca chuyên hát nhạc Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Miên Đức Thắng, Bùi Công Thuấn) và chính ông. Thật ra, ban Tứ Ca này chỉ có mình ông hát còn 3 ca sĩ kia thì chỉ hát phụ họa thôi.

Đầu thập niên 70, ông thực hiện một số nhạc cảnh về Đại Úy Đương trong đó ông đóng vai người lính còn Thanh Lan đóng vai người em gái hậu phương. Lúc đó, Nhật Trường và Thanh Lan thường hát chung với nhau và hợp rơ vô cùng. Họ đẹp đôi lắm. Đây là một tiết mục rất ăn khách trên TV thời đó. Ai xem cũng xót xa cho cô con gái xinh đẹp tuyệt trần mà phút chốc bỗng trở thành người "góa phụ ngây thơ" .

Có lần Nhật Trường được hỏi vì sao ông chọn tên này. Ông trả lời: "Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là . . . ngày dài."

Sự nghiệp nhạc sĩ đến sau sự nghiệp ca sĩ của ông nhưng cũng lẫy lừng không kém. Lời nhạc trong nhạc tình hay nhạc lính của ông đều nhẹ nhàng, lãng mạn, dễ thương và . . . điệu vô cùng. Mời bạn cùng nghe nhé.

Đánh trận xa nhà nhưng không quên hái hoa rừng về tặng em :

". . . Nếu em không là người yêu của lính
Ai đem cánh hoa rừng về tặng em . . . "
(Người Yêu Của Lính)


Ban đêm đi hành quân mà:

". . . Băng giòng sông loang trăng đầy
Lòng muốn vớt ánh trăng thề viết tên em . . . "
(Đồn Vắng Chiều Xuân)


Đêm gác súng biên thùy vẫn không quên . . . nhớ và viết thư cho người yêu:

". . . Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngaỵ
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy . . . "
(Tình Thư Của Lính)


Bay trên không trung nhưng thơ thẩn nhìn mây:

". . . Vượt cao vút cao mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần
Tuyết ơi xin nhuộm trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương . . .
(Tuyết Trắng)


Làm thủy thủ tuần dương mà . . .

" . . . Nên đêm vượt trùng
Anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em . . .
(Hoa Biển)


Phải nói là Trần Thiện Thanh đã thi vị hóa đời lính!

Sau 1975, ông ít xuất hiện. Khi nhìn lại ông trên sân khấu hải ngoại sau gần 20 năm, BN thấy chạnh lòng. Ông cười nhưng khuôn mặt khắc khổ lắm. Nụ cười có vẻ héo hon. Ông ốm hơn xưa và cằn cỗi đi nhiều. Ôi đau thương nào, biến động nào trong thời gian qua đã khiến ông như thế! Lúc đó, ông đang hát bài "Biển Mặn". Chưa bao giờ BN thấy ông hát bài này hay và cảm động như thế!

Rồi . . . lần Nhật Trường và Thanh Lan tái ngộ sau gần 20 năm không hát chung. Họ hát lại bài "Chiều Trên Phá Tam Giang" như thuở nào. Cả hai tóc đã ngả màu. Cả hai không còn là sinh viên hay người lính trẻ. Nhưng hôm đó họ đã hát với nhau rất hay và diễn xuất xuất thần. Thanh Lan đã khóc. BN cũng không ngăn được cảm xúc của mình.

Bài viết của: Biển Nhớ

 

 

* Nguồn: Website Dactrung.Net